Tìm hiểu các chế độ nghỉ ngơi của máy tính (Sleep, Hibernate và Shut Down)
Trước hết, chúng ta sẽ cần hiểu rõ về các cách "tắt" máy khác nhau của máy tính
Chế độ Sleep (Ngủ, Chờ): Đây không hẳn là một chế độ tắt máy vì máy tính dù có tắt đi nhưng vẫn cung cấp điện năng cho RAM hoạt động. Với chế độ này thì bạn chỉ cần di chuyển chuột hoặc nhấn 1 phím là chiếc máy tính của bạn sẽ hoạt động trở lại bình thường. Trong chế độ Sleep, laptop và máy tính để bàn vẫn thường giữ cho đèn nguồn ở chế độ sáng (hoặc nhấp nháy).
Chế độ Hibernate (Ngủ đông): Với chế độ này thì mọi dữ liệu bạn đang làm việc sẽ được lưu vào ổ cứng và sau đó tắt máy. Khi bạn khởi động lại, thì các dữ liệu bạn đã lưu sẽ được đọc từ ổ cứng vào RAM, cho phép hệ điều hành trở lại trạng thái giống hệt như trước khi tắt máy. Điều này sẽ khiến cho quá trình khởi động lâu hơn bình thường
Chế độ Shut Down (tắt máy): Máy tính sẽ tắt hoàn toàn và cũng không lưu lại các thông tin trên bộ nhớ RAM. Khi bạn khởi động lại máy thì máy tính sẽ thực hiện lại toàn bộ quá trình khởi động.
Vì sao máy tính của bạn tiếp tục sử dụng điện năng khi đã tắt máy
Với các chế độ khác nhau, máy tính của bạn sẽ có mục đích để tiêu thụ điện năng rõ ràng. Với chế độ Sleep máy tính sẽ cần điện để nuôi RAM để lưu thông tin. Với các chế độ Shut Down hoặc Hibernate thì máy tính của bạn vẫn sẽ tiêu thụ điện năng vì bo mạch chủ sẽ giữ nguồn điện để lắng nghe các "sự kiện" và tự động bật máy khi nhận được tín hiệu. Ví dụ những chế độ sau sẽ ngốn điện của máy tính
Wake on Keyboard or Mouse (tự động bật máy khi có tín hiệu từ chuột hoặc bàn phím)
Máy tính có thể tự động bật khi bạn nhấn chuột hoặc một phím trên bàn phím được kết nối. Để làm được điều này thì máy tính sẽ phải giữ nguồn điện cho các cổng kết nối chuột và bàn phím chờ đợi ra tín hiệu
Wake-on-LAN
Đây là tính năng bật máy từ cổng mạng Lan ngay cả khi tắt máy, máy tính ẽ nhận được một gói dữ liệu chuyên biệt gửi qua cổng LAN giúp đánh thức máy tính. Và tất nhiên để có thể làm được điều này máy tính sẽ phải cung cấp điện năng tới cổng LAN (Ethernet) và chờ đợi nhận được gói dữ liệu chuyên biệt nói trên.
Ngoài ra để chiếc máy tính giữ được thời gian và các cài đặt trong BIOS thì máy tính cũng sẽ tiêu thụ một lượng điện năng nhỏ
Giảm điện năng tiêu thụ của máy tính khi tắt máy như thế nào?
Nếu bạn muốn kiểm soát hóa đơn tiền điện của bạn một cách chặt chẽ thì bạn có rất nhiều cách để giảm điện năng tiêu thụ của máy tính khi tắt máy
Bạn có thể rút dây nguồn máy tính khi đã Shut Down hoặc Hibernate mà không cần lo lắng về các hư hỏng có thể xảy ra với phần cứng. Nếu bạn không thích rút dây nguồn thì hiện tại trên bộ phận nguồn (PSU) của máy để bàn, sẽ có công tắc để bạn tắt nguồn máy tính
Như đã nói ở trên thì máy tính sẽ tiêu thụ điện năng vào các tính năng như đánh thức bằng chuột, bàn phím hoặc qua cổng mạng Lan. Hãy truy cập vào BIOS của máy tính và tắt các tính năng này đi (Wake-on-Lan, Wake on Keyboard or Mouse, Wake on USB)
Trên đây mình đã giải đáp tại sao máy tính vẫn sử dụng điện năng khi tắt máy. Thực tế, các tính năng trên không sử dụng quá nhiều điện năng, song chúng vẫn có tiêu thụ điện năng. Và để quản lý tốt nhất điện năng trong nhà hãy ngắt nguồn điện khỏi máy để bàn sau khi đã Shut Down hoặc Hibernate.