Chuẩn RAM DDR là gì? Các loại DDR
RAM DDR hay thường được được gọi là chuẩn DDR (Double Data Rate) là một loại công nghệ RAM được sử dụng rộng rãi trong các hệ thống máy tính hiện đại. DDR RAM có khả năng truyền dữ liệu gấp đôi so với RAM truyền thống, qua đó giúp tăng tốc độ xử lý của hệ thống.
Có thể bạn đã quen với những chuẩn RAM DDR như DDR3, DDR4,… đó đều là các thế hệ DDR được phát triển từ theo thời gian từ trước đến nay.
Theo thời gian, chúng ta sẽ có những chuẩn DDR của RAM như sau:
- DDR1 là thế hệ đầu tiên của DDR RAM. Chuẩn RAM DDR tương đối sơ khai này hoạt động với bus tốc độ 100MHz đến 200MHz và cung cấp băng thông truyền dẫn tối đa 2.1 GB/s.
- DDR2 là thế hệ tiếp theo của chuẩn DDR và được gán mã là DDR2, chuẩn RAM này cho tốc độ bus cải thiện hơn với 200MHz đến 400 MHz, băng thông truyền dẫn cũng được nâng lên 8.5 GB/s.
- DDR3 là thế hệ DDR thứ 3 và có bus 400MHz đến 1066MHz, chuẩn RAM DDR3 cũng được xem như là một bước đột phá trong công nghệ DDR vì mang đến một tốc độ bus cao và băng thông lớn lên đến 17GB/s. Ngoài chuẩn DDR3 truyền thống thì bạn cũng có thể gặp những biến thể của chuẩn RAM này như DDR3L sở hữu tính năng gần tương tự như DDR4.
- DDR4 là thế hệ thứ tư của DDR RAM và đây cũng là chuẩn RAM phổ thông nhất hiện nay. DDR4 cho tốc độ bus từ 2133MHz đến 3200MHz, băng thông truyền dẫn đạt 25.6 GB/s.
- DDR5 là chuẩn RAM DDR hiện đại nhất ở thời điểm này và đang dần thay thế chuẩn DDR4 trên những sản phẩm cao cấp. DDR5 mang đến một bước tiến đột phá khi mang đến tốc độ bus có thể đạt từ 4800Mhz đến 6800MHz, băng thông truyền dẫn cũng có thể lên đến 32GB/s.
Chuẩn GDDR là gì? Các loại GDDR
GDDR (Graphics Double Data Rate) là một loại bộ nhớ đặc biệt được sử dụng trong các card đồ họa hoặc hệ thống xử lý đồ họa hiện nay. Khác với DDR thì GDDR được thiết kế để có thể truyền dẫn các khối dữ liệu khổng lồ với thời gian cực ngắn, vì vậy nên GDDR cũng phải có tốc độ bus và băng thông lớn gấp nhiều lần DDR mới đáp ứng được yêu cầu cao về băng thông và xử lý đồ họa.
Ngày nay, cùng với sự tiến bộ vượt bậc của kỹ thuật công nghệ cao thì các chuẩn GDDR cũng ngày càng được cải tiến với băng thông lớn và tốc độ truyền dẫn dữ liệu cao hơn. Chuẩn GDDR cũng được chia thành các thế hệ giống như DRR nên bạn cũng sẽ dễ dàng nhận biết được các thế hệ của chuẩn này thông qua số thứ tự đi kèm như GDDR4, GDDR5, GDDR6,…Trong đó, người dùng chỉ cần lưu ý 2 chuẩn GDDR5 và GDDR6 và 2 biến thể của nó vì đây là chuẩn GDDR thường có mặt trên các card đồ họa hiện nay.
- GDDR5 là thế hệ tiếp theo của GDDR. Nó được ra mắt vào năm 2008 và cung cấp băng thông tối đa từ 28.8-72 GB/s. GDDR5 đã trở thành chuẩn cho hầu hết các card đồ họa trong khoảng thời gian từ 2008 đến 2016.
- GDDR5X: GDDR5X là một biến thể nâng cấp của GDDR5 được giới thiệu vào năm 2016 và cung cấp băng thông tối đa từ 80-100 GB/s. GDDR5X thường được sử dụng trong các card đồ họa NVIDIA Quadro hay dòng GeForce GTX 1050, GTX 1060,…
- GDDR6 ra mắt vào năm 2018 và cung cấp băng thông tối đa từ 48-64 GB/s. GDDR6 được cải tiến hiệu suất cao hơn và tiêu thụ năng lượng thấp hơn so với GDDR5X. Hiện tại thì chuẩn GDDR6 vẫn rất thông dụng và bạn có thể thấy nó xuất hiện trên những dòng card như GeForce 16 series hay thậm chí là những chiếc RTX3050, RTX3060,…
- GDDR6X được xem như là chuẩn GDDR RAM hiện đại nhất ở thời điểm này, hiện chuẩn GDDR6X đã được NVIDIA trang bị cho những dòng GeForce RTX 4000 Series mạnh mẽ nhất hiện tại.
Phân biệt DDR RAM và GDDR RAM
Bạn có thể dễ dàng phân biệt DDR RAM và GDDR RAM thông qua công nghệ lõi mà 2 loại RAM này sử dụng.
Với GDDR RAM thì nó được thiết kế với công nghệ lõi tạo ra băng thông cực lớn và tốc độ truyền dẫn dữ liệu cũng cực kỳ nhanh để các khối dữ liệu khổng lồ có thể đi qua cùng lúc. Trong khi đó thì bạn có thể thấy các chuẩn DDR RAM hiện nay đều có tốc độ bus và băng thông thấp hơn nhiều lần so với GDDR RAM.
Ví dụ như chuẩn RAM DDR5 hiện đại nhất đang cung cấp băng thông khoảng 32GB/s trong khi đó thì chuẩn GDDR6X đã có thể cung cấp băng thông lên đến 84GB/s, một con số vô cùng khủng khiếp. Để dễ hiểu hơn thì bạn có thể tưởng tượng chuẩn GDDR RAM là những con đường cao tốc rộng lớn cho phép các phương tiện đi với tốc độ nhanh và số lượng nhiều, còn DDR RAM là những con đường phổ thông với diện tích và tốc độ cũng không bằng.
Tuy nhiên DDR RAM lại có ưu thế hơn nếu như xét về mặt tối ưu độ trễ, chuẩn DDR RAM có thời gian timing cực kỳ thấp để bạn có thể mở nhiều ứng dụng, chuyển qua lại giữa các tab một cách ngay lập tức.
Ngoài ra thì mức tiêu thụ điện năng giữa 2 loại DDR RAM và GDDR RAM cũng khác nhau.
Dù đều giao tiếp thông qua bus PCI express thế nhưng cả 2 loại RAM này đều có một chức năng khác nhau trong hệ thống máy tính.
Nếu chuẩn DDR RAM sẽ được kết nối trực tiếp với CPU để tối ưu việc truy xuất dữ liệu liên quan đến phần mềm và hệ thống thì GDDR RAM lại kết nối trực tiếp với GPU để hỗ trợ các tác vụ đồ họa diễn ra nhanh và ổn định hơn.
Một điều nữa là bạn cũng nên lưu ý là 2 chuẩn RAM này đều được phát triển độc lập với nhau, do đó mà các thế hệ của chuẩn GDDR RAM có phần nhỉnh hơn so với DDR RAM.
DDR RAM và GDDR RAM có hoán đổi cho nhau được không?
Từ những phân tích trên mà bạn cũng có thể dễ dàng đưa ra được câu trả lời cho mình đúng không nào? GDDR RAM và DDR RAM là hai loại bộ nhớ RAM khác nhau và chúng có cấu tạo và được thiết kế riêng biệt nhằm phục vụ cho 2 mục đích khác nhau trong hệ thống máy tính.
Do đó, GDDR RAM và DDR RAM không thể thay thế cho nhau vì chúng đều được tối ưu hóa cho các mục đích sử dụng khác nhau. GDDR RAM phục vụ riêng cho việc xử lý đồ họa trong các card đồ họa, trong khi đó thì DDR RAM được sử dụng rộng rãi trên các bộ nhớ RAM máy tính hiện nay. Nếu bạn cố tình hoán đổi hay sử dụng sai loại RAM thì có thể gây ra các vấn đề về tính tương thích cũng như hiệu suất không đạt yêu cầu mong muốn.